Thông tin từ Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Trung tâm 3) chỉ trong tháng 1-2010, các cơ quan chức năng đã phát hiện 6 lô vải nhập khẩu bị nhiễm chất formaldehyde và amin thơm, với hàm lượng vượt mức cho phép gấp nhiều lần (phần lớn là nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc (TQ). Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cũng phát hiện một doanh nghiệp thời trang nhập lô hàng vải từ Thái Lan cũng bị nhiễm 2 chất trên.
Chi cục QLTT TPHCM trong tháng 1-2010 cũng phát hiện hàng chục vụ vận chuyển, kinh doanh quần áo, vải nhập lậu từ TQ với số lượng lên đến gần 40.000 cái quần áo, trên 10.000 kg vải và hàng trăm cây vải các loại. Trong năm 2009, cơ quan QLTT cũng phát hiện 21.878 đôi giày dép, 108.148 cái quần áo, 24.878 đôi vớ, 4.686 kg vải và 555.377 m vải nhập lậu từ TQ.
Ông Hoàng Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm 3, cho biết trong năm qua đã kiểm tra, xét nghiệm hơn 800 lô hàng vải nhập khẩu các loại, trong đó phát hiện gần 10 lô hàng có nhiễm 2 chất trên. Hàm lượng nhiễm thấp nhất cũng vượt gấp vài ba lần, cao thì gấp cả chục lần so với mức cho phép. Cũng theo ông Lâm, qua các mẫu xét nghiệm bị nhiễm cho thấy hầu hết các nhóm hàng nguyên liệu vải sợi dùng để may túi xách, chăn, màn, quần áo, vải lót... đều có nguy cơ nhiễm như nhau.
Khảo sát các khu vực kinh doanh vải, quần áo tại các chợ An Đông, chợ Soái Kình Lâm (Q.5), chợ Bình Tây (Q.6), chợ Tân Bình (Q. Tân Bình) - TPHCM, cho thấy hàng TQ chiếm đến 60%-70%. Bà Bùi Thị Hường, kinh doanh quần áo tại chợ Tân Bình, cho biết bình thường các sạp bày bán quần áo ở chợ khoảng 50% là hàng TQ, nhưng vào mùa Tết thì nguồn hàng này đẩy lên cao đến 70%- 80%, thậm chí có nhiều sạp chỉ bán toàn hàng TQ.
Bà Bùi Thanh Thúy, kinh doanh quần áo tại chợ Bình Tây, cho biết gần đây hàng trong nước được bày bán nhiều hơn trước nhưng cũng sử dụng phần lớn là nguyên liệu nhập từ TQ.
Theo bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn văn phòng phía Nam Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm VN, formaldehyde là chất khử trùng rất mạnh. Chất này tẩm trong vải khi gặp nhiệt độ thích hợp sẽ bay hơi, xâm nhập qua da và đường hô hấp của người mặc. Đây là chất nguy hiểm có thể gây bệnh ung thư máu, phổi, da, vòm họng, hạch bạch huyết ...