Thái Bình bước đầu trồng lúa theo nguyên tắc sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt kết quả tốt.
Tại xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh & dịch vụ Nam Cường là đơn vị tiên phong sử dụng phân chuồng từ đệm lót sinh học và dùng vi sinh Emuniv rắc khi làm đất xử lý tàn dư trên ruộng thay cho phân bón hóa học và thấy được hiệu quả cao. Sử dụng cá ủ vi sinh thay thế hoàn toàn phân đạm ure, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng giá trị sản phẩm bán ra 200% so với sản xuất thông thường. Người nông dân cảm thấy yên tâm và tràn đầy hy vọng cho tương lai phát triển lúa gạo của địa phương.
Mô hình lúa hữu cơ đầu tiên tại HTX sản xuất, kinh doanh & dịch vụ Nam Cường, vụ mùa năm 2022 đã kết thúc đầy khả quan với các thông tin cụ thể như sau: diện tích 12.960m2, giống lúa TBR 225. Thu hoạch 4 tấn thóc (2,72 tấn gạo), giá bán 30.000đ/kg. Phân được sử dụng là tàn dư trên ruộng (rơm, rạ, xác sinh vật chết) xử lý bằng công nghệ vi sinh Emuniv đạt chuẩn từ đề tài nghiên cứu quốc gia EM – KHCN. Phân chuồng ủ hoai được tận dụng từ nguồn phân gà đẻ đã qua xử lý bằng công nghệ vi sinh tại trang trại gà đẻ của anh Đặng Tuấn Hưng xã Vũ Lăng, Tiền Hải, Thái Bình. Ngoài ra HTX còn tận dụng thêm nguồn phân tại chỗ như phân vịt, phân bò, phân thỏ, phân lợn để ủ sử dụng cho bón lót. Cá vụn tại huyện Tiền Hải được ủ cùng vi sinh, đường và nước sạch, để chuyển hóa sang dạng axit amin giúp cây dễ hấp thu thay cho phân hóa học ure.
Với phương pháp bảo vệ thực vật mới, HTX được chuyên gia Trung tâm nông nghiệp hữu cơ của Học viện nông nghiệp Việt Nam hướng dẫn sử dụng các chủng vi sinh vật có chức năng bảo vệ thực vật (BVTV) được Cục BVTV khuyên dùng như: metarhizium anisopliae (kiểm soát sâu hại); trichoderma viride, bacillus subtilis, streptomyces murinus, isaria javanicus (kiểm soát bệnh hại).
Anh Đỗ Đức Thiện, giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh & dịch vụ Nam Cường cho biết: “Vùng đất sản xuất lúa vốn là vùng đất ngập mặn, canh tác lúa năm được năm mất, năng suất thu được bị phụ thuộc vào thời tiết. Nay thay đổi phương pháp trồng và chăm sóc, chân đất trồng lúa không còn chai cứng mà mềm mịn, tơi xốp, đã lại thấy xuất hiện tôm, cá, giun, dế nhiều trên ruộng. Gạo thu hoạch được khách hàng đánh giá là thơm ngon hơn nhiều so với các loại gạo cùng giống thơm TBR 225 trên thị trường. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuy tốn công làm cỏ (15 công/ha/lần x 2 lần/vụ), tốn thêm công bắt ốc bươu vàng trước khi cấy (10 công/ha) nhưng với những biện pháp sản xuất tập trung và chuyên nghiệp hiệu quả kinh tế vẫn đảm bảo cho HTX phát triển và nhân rộng mô hình. Dự kiến năm 2023 HTX sẽ tăng diện tích sản xuất lúa sạch lên gấp 5 lần, cung cấp gạo sạch cho nhu cầu của địa phương với tổng sản lượng dự kiến 30 tấn/năm, HTX cũng có kế hoạch tuần hoàn lượng chất thải chăn nuôi của các thành viên HTX sau khi học hỏi được phương pháp xử lý chất thải trang trại từ các buổi tập huấn do Hiệp hội gia cầm và trang trại nông nghiệp tỉnh Thái Bình tổ chức nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển và tận dụng nguồn nguyên liệu sản xuất phân tại địa phương”.
GS. TS Phạm Tiến Dũng, nguyên giám đốc Trung tâm nông nghiệp hữu cơ, Học viện nông nghiệp Việt Nam chỉ ra rằng: “Phân hữu cơ và hệ vi sinh Emuniv có tác dụng cải thiện môi trường cũng như hệ sinh thái vi sinh trong đồng ruộng, đặc biệt là với cấu trúc đất vùng ngập mặn. Sử dụng hệ vi sinh Emuniv (bacillus subtillis, bacillus licheniformis, bacillus megaterium, lactobacillus acidophilus, lactobacillus plantarum, streptomyces sp, saccharomyces cereviseae) trong canh tác lúa nhằm tăng khả năng phân giải vật chất hữu cơ có nguồn gốc động vật và thực vật trong tầng đất mặt, tạo mùn hữu cơ OM, đồng thời tăng cường khoáng hóa các chất dinh dưỡng cần thiết giúp cây hấp thụ, sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh tự đề kháng chống sâu bệnh hiệu quả hơn. Trong các điều kiện thời tiết bất lợi cây có khả năng chống chịu và vượt qua, đảm bảo ổn định năng suất và chất lượng hạt gạo”.
GS. TS Phạm Văn Ty, phụ trách nghiên cứu sản xuất vi sinh vật đề tài EM – KHCN, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG HN cho hay “Công nghệ vi sinh của Việt Nam hiện nay ứng dụng vào trong sản xuất nông nghiệp hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất hữu cơ, và đặc biệt có hiệu quả cao trên cây lúa, quy trình sản xuất lúa hữu cơ của HTX sản xuất, kinh doanh & dịch vụ Nam Cường không chỉ nâng cao chất lượng mà còn giúp bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn. Đây là chỉ là một trong các mô hình sản xuất lúa tốt, thân thiện môi trường mà hội nông dân Việt Nam đang khuyến khích nông dân trồng lúa ở 63 tỉnh thành trồng lúa triển khai nhân rộng. Các nguyên tắc sản xuất nông nghiệp hữu cơ thông qua các mô hình này sẽ đem lại nhiều giá trị sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và toàn hệ sinh thái”
Với sự hợp tác giữa Hiệp hội gia cầm và trang trại nông nghiệp tỉnh Thái Bình và Trung tâm nông nghiêp hữu cơ, Học viện nông nghiệp Việt Nam đã đạt những kết quả rất tốt, trong đó tiêu biểu là việc tiết kiệm chi phí sản xuất nhưng lại tăng giá trị sản phẩm lên 200%. Mô hình trồng lúa hữu cơ tại Thái Bình dự kiến là hình mẫu cho những tỉnh thành và địa phương khác học tập kinh nghiệm sản xuất.
ThS. Bùi Thị Hồng Hà - Giám đốc Trung tâm nông nghiệp hữu cơ có sự tham gia cộng đồng, Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam