Chương trình đi thẳng xuống dân vì đi từ lãnh đạo áp xuống kinh nghiệm cho thấy thường không khả thi do họ sợ các chương trình phân loại rác đã thất bại nhiều lần.
Đưa thẳng xuống dân dễ thành công hơn
Thạc sĩ Bùi Thị Hồng Hà của Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Trên thế giới công nghệ vi sinh EM của Nhật rất nổi tiếng, được nhiều nước áp dụng. Ở Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã sớm áp dụng, không những thế còn huy động những nhà khoa học tốt nhất về vi sinh vật của các trường, các viện đồng thời mời cả cha đẻ của EM là ông Teruo Higa sang để nội địa hóa nó, đó là quãng năm 1997 - 2000. Sau khi làm việc với ông Teruo Higa, nhóm các nhà khoa học Việt thuộc đề tài nghiên cứu đặc biệt cấp quốc gia do GS Phạm Văn Ty chủ trì không lấy nguyên công nghệ EM của Nhật Bản mà sáng tạo, dùng vi sinh vật bản địa phân lập ở Việt Nam để thích nghi tốt hơn.
Chế phẩm mang tên Emuniv ấy gồm tổng cộng 7 chủng, được áp dụng đầu tiên trong lĩnh vực xử lý môi trường ở nhà máy rác Cầu Diễn, rất thành công nhưng không may sau đó nhà máy này bị đóng cửa nên không có đất dụng võ. Đến năm 2015 các nhà khoa học ở Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ mới biết đến nó, thấy quá lãng phí nên loay hoay tìm cách để áp dụng vào nông nghiệp. Khi phát triển mạnh trong nông nghiệp như ủ mục rơm rạ, bã mùn mía, vỏ cà phê làm đệm lót chăn nuôi, ủ phân chuồng, xử lý nước thải và khử mùi chuồng trại… thì họ mới đưa ngược lại xử lý rác hữu cơ tại gia đình, bắt đầu ở Hưng Yên mấy năm về trước.
Hố ủ rác thác thành phân bón ở Hưng Yên. Ảnh: Tư liệu.
"Tỉnh Hưng Yên hiện có khoảng trên 200.000 hộ tham gia với sự đồng hành của các tổ chức đoàn thể, như Hội Phụ nữ huyện Khoái Châu đã vận động được 18.445 hộ tham gia với trên 60% thực hiện thường xuyên và hiệu quả. Tỉnh Nam Định có hơn 140 xã tham gia với trên 50.000 hộ thực hiện, mục tiêu đặt ra chung ở những xã nông thôn mới nâng cao là trên 50% rác được phân loại, xử lý, thậm chí có những xã nông thôn mới kiểu mẫu là trên 70% và đã đạt vượt mức nhờ sự nhiệt tình từ hội phụ nữ, hội nông dân và hội cựu chiến binh. Tỉnh Quảng Ninh có 8 huyện, thị, thành phố tham gia với 2.029 hộ trong đó đi đầu là thành phố Móng Cái”, chị Hà kể.
Còn Hà Nội mạnh nhất là huyện Đông Anh, theo kế hoạch làm ở 3 xã điểm là Dục Tú, Liên Hà, Việt Hùng nhưng đã có mô hình ở tất cả các xã, thị trấn. Với 3 xã thí điểm làm được khoảng 10.000 hộ, những xã còn lại làm được 150 - 200 hộ thí điểm/xã. Các huyện khác tuy có mô hình nhưng không lan tỏa bằng bởi tham gia buổi họp với Sở Tài nguyên - Môi trường về vấn đề ô nhiễm, chỉ có Đông Anh mạnh dạn xin thí điểm. Ban đầu huyện đặt ra mục tiêu rất lớn là xử lý rác hữu cơ tại hộ bằng 2 hình thức vi sinh, nuôi giun quế và còn xử lý rác tái chế theo phân loại giá trị thấp, cao.
Bà con dân tộc ở Quảng Ninh đi nghe tập huấn ủ rác thải. Ảnh: Tư liệu.
Cuối cùng huyện chỉ thành công ở hạng mục xử lý rác hữu cơ bằng vi sinh thành phân bón tại hộ gia đình. Đông Anh thành công là do yêu cầu từ huyện chuẩn bị lên quận nên lãnh đạo bắt buộc phải quan tâm đến vấn đề môi trường, giao cho một cán bộ của Phòng Tài nguyên - Môi trường là Nghiêm Thọ Thoan chỉ có lo việc này và chịu trách nhiệm về nó. Anh lúc đầu đặt mua 5 gói chế phẩm để tự thử nghiệm xử lý rác của gia đình, khi thành công rồi mới nói là cán bộ huyện rồi động viên cả phòng cùng làm, sau đó chính thức bắt tay vào các mô hình ở xã với kinh phí đi xin tài trợ.
“Việc đào tạo nhóm nòng cốt rất gian nan. Ở xã Việt Hùng vừa tập huấn xong thì bị cách ly vì Covid, ở xã Liên Hà làm thành công ở thôn Hà Lỗ rồi, sang đến thôn Giao Tác của tuyển thủ Duy Mạnh, do thôn này có điều kiện, họ mua luôn các thùng nhựa mới để ủ rác. Chúng tôi xuống hướng dẫn khoan thùng với đường kính 2cm, nhưng về rồi họ lại khoan rất bé, không khí không lưu thông được, thêm vào đó dân toàn đổ thịt, cá vào khiến giòi lúc nhúc, cả thôn kêu váng trời. Tôi vừa đi công tác về vội cùng với thạc sĩ Nguyễn Thị Yên, anh Phạm Sỹ Hùng - nhà tài trợ mang theo khoan, mấy bao tải lõi ngô khô làm chất hút ẩm cùng với cái thùng nhựa to sang.
Tập huấn ủ rác thác thành phân bón ở Quảng Ninh. Ảnh: Tư liệu.
Chúng tôi trút rác của các hộ vào thùng của mình, lật ngược thùng của họ lên khoan 3 lỗ ở đáy, 8 - 12 lỗ ở hông đường kính 2cm, sau lót lớp lõi ngô rồi trút lại rác vào dưới sự chứng kiến của trưởng thôn, bí thư. Đến hộ nào chúng tôi cũng giảng giải lại cách pha vi sinh, khống chế độ ẩm. Ngày hôm đó chúng tôi khoan xấp xỉ 50 thùng, đến tận tối mịt không nhìn thấy gì nữa thì mới thôi. Sau vụ đó thôn đã làm thành công.
Nhiều đội nòng cốt không nắm được kỹ thuật nên chúng tôi ngoài đào tạo kỹ ra lúc họ đi tập huấn cho dân vẫn phải đi cùng để bà con hỏi câu nào trả lời luôn được câu ấy thì mới thuyết phục được. Như ở thôn Nghĩa Vũ huyện Đông Anh, khi bà con phản ánh rác ủ có mùi, có giòi, chúng tôi hỏi kỹ, quan sát cách họ làm rồi kết luận luôn hộ đó làm sai ở đâu, cách khắc phục. Về cơ bản là những lỗi kỹ thuật pha vi sinh, kiểm soát độ ẩm và quên phun vi sinh. Mỗi lần đi tập huấn ở xã mới thường mời cả cán bộ nòng cốt ở các thôn cũ đã thành công để họ truyền nhau kinh nghiệm. Mỗi nhóm nòng cốt ở mỗi xã lập ra 1 nhóm zalo để lan tỏa.
Kiểm tra thùng ủ rác thác thành phân bón. Ảnh: Tư liệu.
Ở các tỉnh thành, cán bộ họ thường sợ trách nhiệm. Khi tôi gặp Phó Chủ tịch phụ trách môi trường của một tỉnh để trình bày về chương trình, anh này đã nói luôn: “Bao nhiêu lần thực hiện phân loại rác đã thất bại rồi, làm thế này lấy cớ gì mà chị bảo là làm đảm bảo?”. Tôi thuyết phục bằng kỹ thuật, bằng kinh nghiệm triển khai ở các nơi khác nhưng anh vẫn sợ trách nhiệm sẽ đổ lên đầu mình. Thêm vào đó, chương trình điện rác nhiều nơi còn đang họp hành lo không đủ rác để cho nhà máy hoạt động thì việc gì mà phải phân loại rác.
Ở Hà Nội, họ đang xin đề án xử lý rác hàng ngàn tỉ, gom rác vào một chỗ để phân loại tập trung nay chúng tôi lại phân loại từng hộ thành ra nhiều người cũng không thích, lý do rằng dân không có thời gian để làm những việc cách rách ấy...”, chị Hà tâm sự.
“Các nhà máy điện rác chào hàng ở các tỉnh, thành đều hi vọng nó sẽ xử lý vấn đề môi trường cho địa phương mình với một cục tiền lớn đổ về, xử lý tập trung không phải mất công và tất nhiên sẽ nhàn hơn cho các lãnh đạo. Nhưng cuối cùng chương trình điện rác không thành công, người ta đành quay lại phân loại rác, xử lý tại nhà. Khi thực hiện ở Bắc, Trung, Nam, nói chung Bắc thành công hơn Nam, có lẽ là do yếu tố văn hóa vùng miền", thạc sĩ Bùi Thị Hồng Hà.
Không nên nhân nuôi vi sinh kiểu tự phối trộn
Công nghệ vi sinh Emuniv an toàn cho môi trường, cho con người, cho các loại động vật khác bởi là men gốc, đã được nhà khoa học chọn lọc kỹ, sau đó người dân chỉ kích hoạt 1 lần bằng cách 1 gói 200g pha với 1kg đường là ra 20 lít dịch. Theo GS.TS Phạm Văn Ty, người dân tự nhân men vi sinh kiểu vô hạn, nhiều lần bằng cách thu thập ngẫu nhiên các loại vi sinh trong gói sữa chua, men tiêu hóa, bã bia… hiện nay không ai kiểm soát về thành phần, mật độ từng chủng loại vi sinh cũng như hiệu quả, không biết sẽ sinh ra những cái gì trong cả quá trình vì hệ vi sinh vật sống cộng sinh nữa nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Bộ Tài nguyên - Môi trường từng cảnh báo tất cả các dòng vi sinh vật dùng cho xử lý môi trường phải được kiểm định, khảo sát ít nhất là 2 năm, phải an toàn với người, môi trường và các động vật mới được đăng ký lưu hành. Bắc Ninh sau mô hình 5.000 hộ phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nhà do Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ hướng dẫn thành công năm 2020 thì lãnh đạo tỉnh đã quyết tâm cho mở rộng nhưng vì phong trào dân tự làm vi sinh mà đến nay đã bị chững lại.
Hố ủ rác thải hữu cơ. Ảnh: Tư liệu.
“Chúng tôi đang có hai loại vi sinh xử lý rác, loại huyện Đông Anh, TP Hà Nội hay Quảng Ninh đang dùng là loại công nghệ cao hơn để kiểm soát được các vấn đề giòi, ruồi phát sinh nên giá cũng cao. Còn loại tỉnh Hưng Yên dùng công nghệ đơn giản, chi phí thấp hơn, bởi dân đã thực hiện nhiều năm, có kinh nghiệm rồi nên kiểm soát tốt được kỹ thuật pha vi sinh, độ ẩm là thành công.
Với người mới, sợ nhất là mùi, giòi nên ban đầu dùng loại công nghệ cao hơn như loại Hà Nội và Quảng Ninh đang dùng để chắc ăn, dễ triển khai hơn, đặc biệt là các khu nhà phố. Tuy nhiên, giá cao thì với 50.000 - 60.000 đồng/gói thì mỗi năm nhà dân cũng có thể xử lý được khoảng 1 tấn rác hữu cơ tại nhà, tương đương với khoảng 2,5kg rác bếp/ngày.
Mục tiêu là biến rác hữu cơ thành phân bón đạt chuẩn nên có những loại rõ ràng là rác hữu cơ nhưng khó tiêu không thể đưa vào ủ được ví dụ như vỏ trai, sò, ốc, hến, cành cây khô, các cục xương ống to. Ngược lại có những loại dễ phân hủy nhưng cũng không đưa vào ủ phân được ví dụ như giấy ăn, giấy vệ sinh… bởi liên quan đến nguy cơ về dịch tễ, không nhìn thấy được. Như vậy, chất lượng phân rác sẽ phù hợp với quy chuẩn, kể cả cao nhất là phục vụ cho trồng những cây rau ăn sống", chị Hà chia sẻ.
Hoa được trồng bằng phân rác. Ảnh: Tư liệu.
"Khi đi tập huấn, chúng tôi nói rõ mục tiêu xử lý rác thành phân bón, xã phường nào cũng có một câu hỏi “Phân bón đó để làm gì vì nhà tôi không có trồng cây?”. Thế nên đoàn thanh niên, hội phụ nữ, thậm chí UBND xã phải đứng ra nhận bao tiêu phân bón từ rác để phục vụ cây xanh đường phố nhưng thực tế đến bây giờ chưa có xã nào có phân bón thừa để mà bán cả vì thấy tốt quá nên tự nghĩ ra cách để dùng và chia sẻ cho nhau dùng trong thôn xóm cụm dân cư", chị Hà chia sẻ.
Link gốc: