Nhiều nghiên cứu trên thế giới mới đây cho thấy, hầu hết các sản phẩm vải dệt hiện có trên thị trường VN đều được nhuộm màu và xử lý với các chất phụ gia, trợ chất, có thể gây dị ứng, ung thư hoặc làm tổn hại đến sức khoẻ, thậm chí nguy hại đến cả tính mạng người sử dụng.
Những nguy cơ tiềm ẩn
Dệt nhuộm ở nước ta là ngành công nghiệp có mạng lưới sản xuất rộng lớn, đa dạng mặt hàng, chủng loại và hiện đang là ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng kinh tế rất cao. Tuy nhiên, tiêu chuẩn “Thương mại xanh” đang là rào cản thương mại đối với ngành công nghiệp dệt, nhuộm nước ta. Rào cản thương mại xanh được áp dụng đối với hàng may mặc đòi hỏi các sản phẩm may mặc phải đáp ứng các tiêu chuẩn sinh thái quy định, an toàn sức khoẻ đối với người sử dụng, không gây ô nhiễm đối với môi trường, trong sản xuất bắt buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ.
Hiện mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn chất nhuộm màu chủ yếu là chất màu hóa học tổng hợp từ Trung Quốc, Hàn Quốc…trong đó, khoảng 50% bằng con đường không chính thức. Có khoảng 150 loại màu nhuộm vải đang được bán trên thị trường hiện nay là màu azo, được sản xuất từ các chất có thể gây ung thư như aromatic amine. Theo PGS-TS Hoàng Thị Lĩnh - giảng viên khoa Dệt May - Thời trang (ĐH Bách khoa HN) - sự liên kết giữa màu nhuộm với sợi là sự liên kết không bền chắc, nên vải có độ bền màu giới hạn. Đặc biệt, khi có lỗi xảy ra trong quy trình nhuộm, như nhuộm quá màu hoặc sai loại sợi... sẽ dẫn đến tình trạng giải phóng chất màu ra ngoài. Với khả năng hoà tan trong dầu, các chất dẫn có sẵn màu có thể thẩm thấu qua da người. Khi các hợp chất này thâm nhập vào cơ thể, chúng bị phân huỷ trong hệ trao đổi chất của cơ thể và chất aromatic amine nguyên thuỷ sẽ hình thành. Quy trình phân huỷ chất này có thể xảy ra trong đường ruột, gan hay ngay trên bề mặt da, làm tổn hại đến sức khoẻ, thậm chí nguy hại đến cả tính mạng người sử dụng.
Bên cạnh đó, công nghiệp dệt, nhuộm của nước ta đang sử dụng một lượng nước rất lớn phục vụ cho các công đoạn sản xuất, đồng thời xả ra môi trường một lượng nước thải bình quân từ 12-300m3/tấn vải. Trong đó nguồn ô nhiễm chính là là từ công đoạn dệt, nhuộm, nấu tẩy. Theo kết quả phân tích nước thải ở làng nghề dệt, nhuộm Vạn Phúc (Hà Nội) của Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường (Bộ Tư lệnh Hoá học), nhiều chỉ số của các chất độc hại cao hơn nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Bài toán đặt ra là, làm thế nào để xử lý triệt để tình trạng này?
Lời giải cho bài toán
Trước tình trạng báo động về nguy cơ ô nhiễm môi trường do ngành công nghiệp dệt, nhuộm mang lại, PGS-TS Hoàng Thị Lĩnh đã tìm ra công nghệ dùng lá cây, vỏ cây, các chất liệu thiên nhiên... để nhuộm vải sợi bông và lụa tơ tằm, thay thế công nghệ nhuộm hiện tại với nhiều hoá chất độc hại, ô nhiễm môi trường, do chất thải ngành dệt, nhuộm. TS Lĩnh cho biết: “Nguyên liệu từ thiên nhiên như lá cây, vỏ cây, hoa... sau khi thu gom, được đưa vào bộ phận phụ trợ bên cạnh máy nhuộm để chiết dung dịch màu. Sau đó, dung dịch được đưa trực tiếp vào máy nhuộm để nhuộm vải như phương pháp nhuộm thông thường. Các nguyên liệu hầu hết sẵn có trong tự nhiên và rẻ tiền, như: Lá chè già (bị vứt bỏ trên các nông trường chè), hạt lương nho (hạt càri sẵn có trong miền Nam), lá hồng xiêm và lá bàng là những nguồn nguyên liệu dồi dào nhất, có thể được sử dụng trong sản xuất.
Sản phẩm được làm từ chất liệu vải dệt nhuộm màu tự nhiên
Vải, sợi nhuộm bằng chất màu tự nhiên có mùi thơm dễ chịu, đảm bảo các chỉ tiêu sinh thái như không azo, không formaldehyt (là các chất gây ung thư và dị ứng da, mà hầu hết các sản phẩm dệt, nhuộm không đăng ký tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường thường dùng), bền màu với mồ hôi... (kết quả đã được xác định theo tiêu chuẩn Oekotex 100), độ bền màu của sản phẩm nhuộm bằng chất màu tự nhiên đảm bảo tốt cấp 4-5/5, chỉ tiêu pH đạt tiêu chuẩn Oekotex 100; các sản phẩm an toàn với sức khỏe người mặc, nên sẽ có giá trị kinh tế cao hơn so với sử dụng thuốc nhuộm tổng hợp. Đặc biệt, sản xuất với mức 2 tấn/năm sẽ giảm lượng nước thải độc hại ra môi trường, sông ngòi tương đương 600m3/năm. Ngoài ra, bã thải của công nghệ được dùng thay thế phân bón hóa học, giúp người nông dân giảm chi phí đầu vào cho nông nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường đất nông nghiệp do sử dụng phân hóa học”. Lâu nay chúng ta vẫn quen với các loại vải được nhuộm từ các chất hóa học. Tuy nhiên, việc sử dụng những chất hóa học này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây ô nhiễm môi trường trong quá trình nhuộm. Gần đây có một nguyên liệu khác để tạo ra chất nhuộm vải rất thú vị và độc đáo, đó là… lá cây. Với 15 năm trời say mê nghiên cứu, PGS.TS Hoàng Thị Lĩnh, giảng viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã cho ra đời loại chất nhuộm tuyệt vời này.
Để điều chế ra chất nhuộm tự nhiên này, cô Lĩnh đã sử dụng một số loại lá cây như bàng, xà cừ, lá chè …Mỗi loại lá cây sẽ cho ra những màu sắc khác nhau. Cũng có thể kết hợp các loại lá cây này để tạo ra màu pha.
Cách thức để tạo ra chất nhuộm tự nhiên này là một bí mật của cô Lĩnh. Tuy nhiên, các bạn có thể hình dung quy trình sẽ là thu gom lá, xử lý, phơi khô, đun lá để tạo ra chất nhuộm, sau đó đem nhuộm các loại vải. Lá cây sau khi đun xong còn được xử lý làm phân vi sinh nên giải quyết được khâu chất thải sau quá trình sản xuất.
Vải nhuộm bằng lá cây có rất nhiều ưu điểm như không độc, không gây dị ứng, bền màu và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, các loại vải này có mùi thơm tự nhiên rất dễ chịu.
“… Theo thống kê của Công ty cây xanh Hà Nội, năm 2009, Hà Nội có 3400 cây bàng ở các quận nội thành. Mỗi cây loại trung bình sẽ cho lượng lá khô hàng năm khoảng 30kg. Như vậy tổng lượng lá thu gom được là 102 tấn mà 1kg lá khô có thể nhuộm được chừng 1,5kg vải.
Nếu thu gom lượng lá bàng rụng trên cả nước và sử dụng cho quá trình nhuộm vải thì sẽ tận thu được một nguồn nguyên liệu khá dồi dào thay thế được một lượng tiền lớn nhập khẩu thuốc nhuộm nuớc ngoài - PGS.TS Hoàng Thị Lĩnh, Khoa công nghệ dệt may thời trang, Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên gia về lĩnh vực nhuộm màu cho biết.
Bộ đồ trẻ sơ sinh được nhuộm bằng lá bàng
(Ảnh: Minh Cường)
Thống kê của Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện KH - CN Việt Nam) và Tổ chức bảo tồn Thiên nhiên thế giới (IUCN) cho thấy, hệ thực vật Việt Nam có trên 12.000 loài, trong đó nhóm cây nhuộm màu có khoảng 200 loài. Đặc biệt, có 48 loài thuộc 27 họ được bà con dân tộc miền núi phía Bắc thường dùng để nhuộm màu quần áo, thực phẩm bằng những kinh nghiệm độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc như cây mật mông cho màu vàng; cây chàm mèo cho màu xanh lam; cây cẩm cho màu tím, màu đỏ; lá dứa và rau khúc cho màu xanh lá cây; củ nâu cho màu nâu; mơ leo cho màu xanh rêu…
Để phòng ngừa những tác hại của chất nhuộm màu hóa học, và chủ động được chất màu trong nước, một trong những con đường hữu hiệu nhất mà các nhà khoa học nước ta đang hướng tới là công nghiệp hóa các chất màu có nguồn gốc tự nhiên. Tuy nhiên, việc công nghiệp hóa chất màu tự nhiên còn gặp nhiều khó khăn. Th.S Nguyễn Thị Thanh Hương, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên cho rằng kỹ thuật chiết và nhuộm màu phức tạp, mất nhiều thời gian và chi phí đầu tư cho công nghệ khá tốn kém nên giá thành có thể cao hơn so với chất màu hóa học. Nhưng nếu được thương mại hóa và đầu tư nghiên cứu quy mô lớn và bài bản thì giá thành sẽ giảm đi rất nhiều, bằng hoặc thấp hơn chất màu hóa học. PGS.TS Trịnh Thị Thủy, viện Hóa học (viện KH - CN Việt Nam) cho rằng, sử dụng chất màu có nguồn gốc tự nhiên là xu hướng phát triển bền vững hiện nay, nhưng do nguồn tài nguyên quý giá này lâu nay vẫn bị lãng quên nên việc nghiên cứu tách chiết và phát triển chúng thành sản phẩm hàng hóa chưa được chú ý đúng mức. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học đã và đang xây dựng mô hình cộng đồng vừa góp phần bảo tồn và phát triển nguồn gen cây nhuộm màu thực phẩm vừa xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số.