Việt Nam nằm trong các quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy, mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế.
Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác thải nhựa đến năm 2050 ở các đại dương, sẽ nặng hơn khối lượng của cá. Và Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới.
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày. Trung bình, khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng".
Từ phải sang: Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI, bà Lê Từ Cẩm Ly - Giám đốc Pháp lý và Đối ngoại Coca-Cola Đông Dương và bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch VWEC |
Trước thực trạng này, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, các doanh nghiệp không nên chỉ vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm đối với môi trường và cộng đồng. Bảo vệ môi trường có ý nghĩa cao cả, vì môi trường cho thế hệ mai sau. Do đó, các doanh nhân nữ cần chung tay giảm thiểu rác thải ra môi trường.
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch VWEC, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam cho biết: “Tại các quốc gia phát triển, tất cả các ngành nghề sản xuất, kinh doanh phải tuân theo nguyên tắc bảo vệ môi trường”.
“Những năm gần đây, khái niệm về nền kinh tế tuần hoàn, sản xuất và kinh doanh có trách nhiệm, sản xuất và kinh doanh nhân văn.... đã được đưa vào nhiều chương trình nghị sự của doanh nghiệp, doanh nhân. Tuy nhiên, lượng rác thải rắn, khí thải và chất thải lỏng xả ra môi trường vẫn đang là nỗi nhức nhối của chúng ta”, bà Minh trăn trở.
Cũng theo Chủ tịch VWEC, quản lý tốt rác thải không chỉ tạo môi trường sống và làm việc lành mạnh, mà còn tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm chi phí và khơi sâu sự sáng tạo vô hạn của con người trong việc thiết kế ra các sản phẩm mới, hữu dụng từ rác thải,...hướng tới sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp và cộng đồng.
Các sáng kiến hành động nhằm giảm thiểu rác thải
Là một doanh nghiệp trong ngành hàng nước giải khát có sử dụng nhựa trong khâu sản xuất bao bì, Bà Lê Từ Cẩm Ly, Giám đốc Pháp lý và Đối ngoại, Coca-Cola Đông Dương khẳng định, mục tiêu đến 2030 chúng tôi sẽ thu gom và tái chế tương đương 100% lượng lon và chai bán ra trên thị trường.
Công ty sẽ thực hiện mục tiêu đó thông qua những cải tiến bao bì từ bên trong, giảm nguyên liệu nhựa, dùng nhựa tái chế, kết hợp cùng chính phủ, các tổ chức tư nhân, dân sự để xây dựng hệ thống thu gom rác thải nhựa và cùng hợp tác thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, mang giá trị mới cho bao bì nhựa”, bà Ly cho hay.
Phiên thảo luận chia sẻ kinh nghiệm, các thực tiễn tốt về CSR và hoạt động của các Trung tâm Ekocenters tại Việt Nam |
Trong phiên thảo luận về các sáng kiến nhằm giảm thiểu rác thải, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Bến Tre đánh giá cao việc Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam và Coca-Cola đã triển khai xây dựng trung tâm EKOCENTER tại huyện Giồng Trôm.
Theo Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Bến Tre, KOCENTER đã góp phần tạo ra khu sinh hoạt cộng đồng, tiếp cận internet, công nghệ thông tin; cung cấp nước sạch cho người dân địa phương. Trung tâm này còn đưa ra được các giải pháp khả thi, huy động được các nguồn lực cần thiết và đầy đủ để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn của chính quyền, người dân và doanh nghiệp ở khu vực bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, EKOCENTER hướng đến nhóm yếu thế (phụ nữ, trẻ em, người lao động nghèo) tiếp cận miễn phí hoặc với chi phí phải chăng các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như nước uống, giáo dục, chăm sóc y tế, kỹ năng khởi nghiệp, kinh doanh nhỏ, Bà Thoa cho hay.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa cũng đã chia sẻ về mô hình “Biến rác thải thành tiền” của Hội LHPN tại địa phương. Tham gia mô hình, hàng tháng khi sinh hoạt tổ, các hội viên sẽ gom các loại vật dụng bỏ đi của gia đình như: vỏ chai nước ngọt, dầu ăn… giao cho tổ trưởng để bán ve chai. Tiền bán được, mỗi chị em trích đóng cho tổ hội trưởng làm quỹ để hỗ trợ các gia đình thành viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh tật và giúp các cháu vượt khó học giỏi.
Cùng đóng góp vào các sáng kiến tại diễn đàn, bà Bùi Thị Hồng Hà, Giám đốc Công ty cổ phần CPART đã giới thiệu về sản phẩm phát triển dòng vi sinh ứng dụng trong bảo vệ môi trường, phát triển chăn nuôi, trồng trọt.
Đại diện doanh nghiệp này cho biết, CPART đã góp phần giúp hệ thống trang trại nuôi bò sữa ở huyện Mộc Châu xây dựng hệ thống trang trại xử lý nước thải khép kín. Tất cả các hỗn hợp chất thải như nước tiểu, nước vệ sinh chuồng trại… đều được gom hết vào bể chứa để xử lý. Do đó, chuồng trại có môi trường chăn nuôi an toàn, luôn sạch sẽ, không có mùi hôi…
Tại sự kiện, các doanh nhân nữ cũng đẫ cùng nhau ký “Cam kết hành động vì một thế giới không rác thải”, thể hiện lòng quyết tâm chung tay bảo vệ môi trường.