Xuất phát từ ý tưởng này, các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu The Way We See The World đã có chiến thắng thuyết phục khi mang tới sản phẩm cốc dùng một lần mang tên Jelloware. Các nhà nghiên cứu thuộc viện này cho biết, trong tương lai, cốc Jelloware sẽ được lựa chọn để thay thế các loại cốc giấy, cốc nhựa dùng một lần. Hơn thế, Jelloware đảm bảo tính thẩm mỹ với nhiều màu sắc bắt mắt, an toàn với người sử dụng và môi trường.
Nghĩa của từ Jelloware là "ném xuống bãi cỏ sau khi sử dụng". Hành động này không hề gây ô nhiễm môi trường như việc chúng ta ném những chiếc cốc giấy hay cốc nhựa đâu nhé, bởi thành phần của Jelloware với nguyên liệu tự nhiên sẽ trở thành một loại phân bón hữu cơ giúp kích thích quá trình sinh trưởng của cây trồng. Jelloware được làm hoàn toàn từ thạch rau câu, với rất nhiều hương vị khác nhau bao gồm húng quế, chanh, bạc hà, gừng, hương thảo và củ cải, cùng với nhiều màu sắc bắt mắt. Hãy tưởng tượng khi nhấm nháp một cốc nước giải khát với chiếc cốc có vị gừng hay bạc hà trong những ngày hè nóng nực sẽ tuyệt vời như thế nào?
"Hầu hết mọi người đều thích món thạch rau câu với nhiều màu sắc và hương vị độc đáo như chanh, bạc hà, húng quế, củ cải, gừng. Nếu được sử dụng chính những chiếc cốc làm từ thạch, dùng để uống xong là có thể ăn liền, điều đó thật thú vị. Chúng tôi đã được cấp phép sử dụng chất gelatine để làm đông thạch rau câu theo những khuôn mẫu bắt mắt" - đại diện của Viện nghiên cứu The Way We See The World cho biết.
Điểm đặc biệt của ý tưởng này còn nằm ở chỗ, mọi người có thể ăn ngon lành chiếc cốc mình vừa sử dụng để uống nước, hoặc có thể vứt đi
nếu không thích. Nguyên liệu tự nhiên trong Jelloware không những tốt cho sức khỏe con người mà còn hết sức an toàn. Sự xuất hiện của những chiếc cốc "ăn được" này có thể xem như bước đầu của chiến dịch thay thế cốc nhựa và cốc giấy vốn có hại với môi tường. Trong thời gian tới, khi ý tưởng về Jelloware được thương mại hóa, chắc chắn nó sẽ trở nên phổ biến và là vật dụng không thể thiếu trong các chuyến dã ngoại.
Đình Vũ