Những nguy cơ tiềm ẩn
Dệt nhuộm ở nước ta là ngành công nghiệp có mạng lưới sản xuất rộng lớn, đa dạng mặt hàng, chủng loại và hiện đang là ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng kinh tế rất cao. Tuy nhiên, tiêu chuẩn “Thương mại xanh” đang là rào cản thương mại đối với ngành công nghiệp dệt, nhuộm nước ta. Rào cản thương mại xanh được áp dụng đối với hàng may mặc đòi hỏi các sản phẩm may mặc phải đáp ứng các tiêu chuẩn sinh thái quy định, an toàn sức khoẻ đối với người sử dụng, không gây ô nhiễm đối với môi trường, trong sản xuất bắt buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ.
Có khoảng 150 loại màu nhuộm vải đang được bán trên thị trường hiện nay là màu azo, được sản xuất từ các chất có thể gây ung thư như aromatic amine. Theo PGS-TS Hoàng Thị Lĩnh - giảng viên khoa Dệt May - Thời trang (ĐH Bách khoa HN) - sự liên kết giữa màu nhuộm với sợi là sự liên kết không bền chắc, nên vải có độ bền màu giới hạn. Đặc biệt, khi có lỗi xảy ra trong quy trình nhuộm, như nhuộm quá màu hoặc sai loại sợi... sẽ dẫn đến tình trạng giải phóng chất màu ra ngoài. Với khả năng hoà tan trong dầu, các chất dẫn có sẵn màu có thể thẩm thấu qua da người. Khi các hợp chất này thâm nhập vào cơ thể, chúng bị phân huỷ trong hệ trao đổi chất của cơ thể và chất aromatic amine nguyên thuỷ sẽ hình thành. Quy trình phân huỷ chất này có thể xảy ra trong đường ruột, gan hay ngay trên bề mặt da, làm tổn hại đến sức khoẻ, thậm chí nguy hại đến cả tính mạng người sử dụng.
Bên cạnh đó, công nghiệp dệt, nhuộm của nước ta đang sử dụng một lượng nước rất lớn phục vụ cho các công đoạn sản xuất, đồng thời xả ra môi trường một lượng nước thải bình quân từ 12-300m3/tấn vải. Trong đó nguồn ô nhiễm chính là là từ công đoạn dệt, nhuộm, nấu tẩy. Theo kết quả phân tích nước thải ở làng nghề dệt, nhuộm Vạn Phúc (Hà Nội) của Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường (Bộ Tư lệnh Hoá học), nhiều chỉ số của các chất độc hại cao hơn nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Bài toán đặt ra là, làm thế nào để xử lý triệt để tình trạng này?
Lời giải cho bài toán
Trước tình trạng báo động về nguy cơ ô nhiễm môi trường do ngành công nghiệp dệt, nhuộm mang lại, PGS-TS Hoàng Thị Lĩnh đã tìm ra công nghệ dùng lá cây, vỏ cây, các chất liệu thiên nhiên... để nhuộm vải sợi bông và lụa tơ tằm, thay thế công nghệ nhuộm hiện tại với nhiều hoá chất độc hại, ô nhiễm môi trường, do chất thải ngành dệt, nhuộm. TS Lĩnh cho biết: “Nguyên liệu từ thiên nhiên như lá cây, vỏ cây, hoa... sau khi thu gom, được đưa vào bộ phận phụ trợ bên cạnh máy nhuộm để chiết dung dịch màu.
Sau đó, dung dịch được đưa trực tiếp vào máy nhuộm để nhuộm vải như phương pháp nhuộm thông thường. Các nguyên liệu hầu hết sẵn có trong tự nhiên và rẻ tiền, như: Lá chè già (bị vứt bỏ trên các nông trường chè), hạt lương nho (hạt càri sẵn có trong miền Nam), lá hồng xiêm và lá bàng là những nguồn nguyên liệu dồi dào nhất, có thể được sử dụng trong sản xuất.
Sản phẩm được làm từ chất liệu vải dệt nhuộm màu tự nhiên. |
Vải, sợi nhuộm bằng chất màu tự nhiên có mùi thơm dễ chịu, đảm bảo các chỉ tiêu sinh thái như không azo, không formaldehyt (là các chất gây ung thư và dị ứng da, mà hầu hết các sản phẩm dệt, nhuộm không đăng ký tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường thường dùng), bền màu với mồ hôi... (kết quả đã được xác định theo tiêu chuẩn Oekotex 100), độ bền màu của sản phẩm nhuộm bằng chất màu tự nhiên đảm bảo tốt cấp 4-5/5, chỉ tiêu pH đạt tiêu chuẩn Oekotex 100; các sản phẩm an toàn với sức khỏe người mặc, nên sẽ có giá trị kinh tế cao hơn so với sử dụng thuốc nhuộm tổng hợp. Đặc biệt, sản xuất với mức 2 tấn/năm sẽ giảm lượng nước thải độc hại ra môi trường, sông ngòi tương đương 600m3/năm. Ngoài ra, bã thải của công nghệ được dùng thay thế phân bón hóa học, giúp người nông dân giảm chi phí đầu vào cho nông nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường đất nông nghiệp do sử dụng phân hóa học”.