(VEN) - Từ 18-20/3, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn khu vực châu Á lần thứ 4 về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải (3R) do Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Bộ Môi trường Nhật Bản và Trung tâm phát triển vùng Liên hợp quốc tổ chức.
Sau gần 3 ngày thảo luận sôi nổi về chủ đề “3R trong bối cảnh hậu Rio+20 – Tương lai chúng ta mong muốn”, gần 300 đại biểu đến từ 30 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã nhất trí thông qua “Tuyên bố Hà Nội về 3R - các mục tiêu 3R bền vững cho châu Á trong giai đoạn 2013-2023” hướng đến một nền kinh tế xanh và xã hội sử dụng có hiệu quả tài nguyên, với 4 mục tiêu lớn là: 3R cho khu đô thị/công nghiệp; 3R ở khu vực nông thôn; 3R cho các loại chất thải mới nổi và 3R cho các vấn đề xuyên suốt.
Trong số đó, mục tiêu 3R cho khu đô thị/khu công nghiệp được đặt lên hàng đầu với những vấn đề cụ thể như: Giảm thiểu đáng kể chất thải rắn đô thị phát sinh; sử dụng triệt để các loại chất thải đô thị hữu cơ, bao gồm rác thải thực phẩm; gia tăng một cách đáng kể tỷ lệ tái chế của vật liệu tái chế cũng như phát triển ngành công nghiệp tái chế hiện đại; Xây dựng các thành phố bền vững. thúc đẩy sự cộng sinh trong công nghiệp (chất thải của ngành này được tái chế để trở thành nguyên liệu cho ngành khác) bằng cách cung cấp các sáng kiến và hỗ trợ có liên quan.
Ông Ryutaro Yatsu, Thứ trưởng phụ trách Môi trường toàn cầu, Bộ Môi trường Nhật Bản cho rằng: Những thành công của Diễn đàn về 3R lần thứ 4, nhất là Tuyên bố Hà Nội về 3R là những phản ứng đầu tiên hướng tới kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Rio+20 và đặc biệt hướng tới sản xuất cũng như tiêu dùng xanh bền vững trong những năm tới.
Diễn đàn khu vực châu Á về 3R có tính chất thường niên, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009 tại Nhật Bản. Trong đó đã xác định các định hướng tổng thể và các ưu tiên nhằm thúc đẩy 3R cho các quốc gia thuộc cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị lần thứ II được tổ chức năm 2010 tại Malaysia với chủ đề “3R - Vì một nền kinh tế xanh và xã hội tuần hoàn vật chất hợp lý.” Năm 2011, Hội nghị lần thứ III của Diễn đàn được tổ chức tại Singapore với chủ đề “Chuyển giao công nghệ thúc đẩy 3R - Thích ứng, thực hiện và mở rộng quy mô công nghệ thích hợp”. Hội nghị lần thứ IV này được diễn ra trong bối cảnh thế giới đứng trước những thách thức lớn, khủng hoảng kinh tế, dân số tăng nhanh, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, đa dạng sinh học suy giảm, ô nhiễm môi trường lan rộng, biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến phức tạp… Đây là hệ lụy của mô hình phát triển thiếu bền vững - “tăng trưởng kinh tế trước, giải quyết các vấn đề môi trường sau”, diễn ra trong một thời gian dài. Chính vì vậy, diễn đàn lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy đối thoại chính sách cấp cao giữa các bên liên quan để giải quyết về nguyên tắc mối liên kết giữa 3R và các vấn đề khác như tăng cường hợp tác, quản lý chất thải, thay đổi công nghệ, sản xuất - tiêu dùng bền vững, tập chung công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động BĐKH, xóa đói giảm nghèo.
Việt Nam đánh giá cao các quốc gia, các tổ chức quốc tế đã có những nỗ lực trong việc thúc đẩy hợp tác về 3R, cụ thể là Nhật Bản, được coi là nước tiên phong đề xuất Sáng kiến 3R và thực hiện “xã hội tái chế”.“Việt Nam ủng hộ các nước châu Á tiếp tục quan tâm tới việc thảo luận những lợi ích quan trọng của 3R, xây dựng những mối quan hệ đối tác và hợp tác mới giữa các quốc gia để thúc đẩy 3R, bao gồm việc chia sẻ những kinh nghiệm quý báu và những công nghệ nhằm nâng cao năng lực của các nước trên con đường tiến tới một xã hội không chất thải và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên” - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Minh Quang khẳng định./