Ngày 29/10/2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh.
Tăng trưởng xanh cần sự chung tay của toàn xã hội
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh theo Quyết định 1393/QĐ-TTg.
Chiến lược này xác định 3 mục tiêu cụ thể: Thứ nhất, tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có, khuyến khích phát triển các vùng kinh tế, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao.
Thứ hai, nghiên cứu ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Thứ ba, nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh.
Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Thế Phương cho biết, để đạt được các mục tiêu trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo môi trường và sinh thái bền vững, Việt Nam nhận thấy cần phải tiếp cận tăng trưởng xanh hay xây dựng một nền kinh tế xanh. Điều này giúp hiện thực hóa con đường phát triển bền vững của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Để đạt được 3 mục tiêu nêu trên, Chiến lược cũng đề ra 3 nhiệm vụ quan trọng: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Xanh hóa sản xuất; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho rằng, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh là một nội dung mới mẻ không chỉ với Việt Nam mà còn với các nước khác trên thế giới.
Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa đánh giá, chiến lược này đã thể hiện sự tiến tới phát triển mạnh mẽ hơn nữa ứng dụng công nghệ xanh mà Việt Nam mong muốn.
Bà Kwakwa khẳng định: Việc quản lý bền vững vốn tài nguyên đóng vai trò quan trọng, nếu thực hiện tốt nó sẽ đem lại giá trị tất yếu cho thế hệ sau. Việc phê duyệt chiến lược này là một sự đảm bảo cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng cần thúc đẩy mạnh mẽ sự tham dự của khu vực tư nhân vào chiến lược này, trong đầu tư công cũng cần hướng đến xanh hóa nhiều hơn.
Đồng thời, bà Kwakwa lưu ý quy trình giám sát rất quan trọng, do đó cần có một cơ sở dữ liệu về các hợp phần đã thực hiện được để đánh giá kết quả. Những cải cách về chính sách cũng là một nhiệm vụ cần thiết để phù hợp với chiến lược này.
Đặc biệt, bà Kwakwa khẳng định, Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam để tìm ra những nguồn tài trợ, đảm bảo thực hiện tăng trưởng xanh.
Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta cho biết: Việt Nam là một trong những nước đang phát triển đầu tiên trên thế giới khởi động chiến lược tăng trưởng xanh và thực sự là rất thành công. Nó phù hợp với Chiến lược biến đổi khí hậu đến năm 2020 mà Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh là một phần trong đó.
“Chiến lược này đã chứng minh nỗ lực của Chính phủ trong đối phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh của mình”- bà Mehta khẳng định./.
Theo VOV online