Vườn khoai lang giống ở Đà Lạt thối thân héo rũ hồi sinh kỳ diệu nhờ áp dụng công nghệ sinh học.
Sau 1 tháng xử lý bằng các chế phẩm sinh học, vườn khoai lang giống đang thối thân, héo rũ của Công ty CP chế biến thực phẩm Đà Lạt tự nhiên dần phục hồi và phát triển nhanh chóng.
Hiệu quả bất ngờ
Theo Giám đốc Công ty chế biến thực phẩm tự nhiên Đà Lạt, không chỉ phục vụ khách hàng trong nước, công ty còn xuất khẩu ra thị trường các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…
“Thực phẩm Đà Lạt Tự Nhiên luôn luôn coi sức khỏe người tiêu dùng là mục tiêu hàng đầu. Do đó, chúng tôi kiểm soát tất cả các quá trình từ nguyên liệu để sản xuất.
Ngoài ra, công ty ký hợp đồng cung cấp giống với nông dân, hướng dẫn trực tiếp cho họ phương pháp canh tác và sau đó, thu thập các sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, yêu cầu về nguồn giống tốt, sạch bệnh và nguồn nguyên liệu khoai lang chế biến đảm bảo chất lượng được đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, vườn khoai lang trên địa bàn xảy ra một số vấn đề như: Thối thân, có những vết thương màu đen chay dọc theo dây. Các vết thương này gây tắc mạch dẫn khiến việc vận chuyển nước, chất dinh dưỡng trở nên khó khăn, cây sinh trưởng kém, các lá từ phía dưới trở lên bị vàng”.
Trước nguy cơ vườn khoai lang mất trắng, ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Công ty CP chế biến thực phẩm Đà Lạt Tự Nhiên tìm mọi cách chữa bệnh cho khoai lang. Đến thời điểm này, tổng diện tích khoai bị nhiễm bện trên địa bàn đã lên tới 9ha.
Là người có nhiều năm gắn bó với nông nghiệp, ông Anh hiểu rằng, bệnh chết dây trên cây khoai là do nấm Fusarium sp gây ra. Đây là loại bệnh khó kiểm soát, nhất là khi bệnh đã phát triển thành dịch.
“Chúng tôi đã sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật để chữa bệnh cho cây nhưng vẫn không mang lại hiêu quả như mong muốn. Mặt khác, sử dụng phương pháp này không khác gì con dao hai lưỡi, không chỉ làm tăng giá đầu tư, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người nông dân mà còn tạo ra các sản phẩm không an toàn. Việc lạm dụng thuốc BVTV hóa học và phân bón vô cơ của người dân vẫn đang rất đáng báo động, dẫn đến các nguy cơ về mất ATTP, gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất và đặc biệt là tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại.
Đúng lúc này thì tôi được giới thiệu thiệu dùng thử chế phẩm sinh học Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ – Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Do đó, Công ty CP chế biến thực phẩm Đà Lạt Tự Nhiên quyết định phối hợp cùng Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ – Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện khảo nghiệm “Ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý bệnh trên cây khoai lang”, ông Anh nói.
Trước tình trạng bệnh của vườn khoai lang tại tại vườn nguyên liệu của Công ty CP chế biến thực phẩm Đà Lạt Tự Nhiên tại thôn Phú Trung, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, các kỹ thuật viên của Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ – Học viện Nông nghiệp Việt Nam quyết định sử dụng các chế phẩm sinh học như trị nấm, tiết chất kháng sinh ức chế nấm bệnh và bổ sung dinh dưỡng cho cây, cải thiện độ phì nhiêu của đất, làm đất tơi xốp, thoáng khí; phá bỏ môi trường khu trú của vi khuẩn và các vi sinh vật gây bệnh; tiêu diệt ấu trùng, côn trùng gây hại ẩn nấp trong đất.
Chị Nguyễn Thị Thùy, kỹ thuật viên Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết: “Bệnh chết dây trên cây khoai lang do nấm Fusarium sp gây ra. Nấm bệnh xâm nhập gây hại vào gốc dây khoai lang. Chúng làm cho cây khoai có những vết thương màu đen chạy dọc theo dây. Các vết thương này làm tắc các mạch dẫn khiến cho việc vận chuyển nước và chất dinh dưỡng trở nên khó khăn, cây sinh trưởng kém, các lá từ phía dưới trở lên bị vàng, dây héo, lá có có màu tím, viền lá có màu huyết, đọt lá màu tím biểu hiện như hiện tượng thiếu lân. Bệnh nặng làm cây chết vàng”.
Sau 1 tháng (từ 14/7 đến 15/8/2019) khảo nghiệm được tiến hành bằng các chế phẩm sinh học, tình trạng nhiễm bệnh trong vườn khoai đã dần được khắc phục, cây dần hồi phục và phát triển nhanh chóng.
“Với nông dân chúng tôi, dịch bệnh và thời tiết bất thường không chỉ để lại thiệt hại kinh tế nặng nề, mà còn ảnh hưởng chất lượng mùa vụ tiếp theo. Vì thế, chúng tôi cần có sự đa dạng trong phương thức canh tác để có thể lựa chọn giải pháp phù hợp giúp cây trồng khỏe mạnh, có thể kháng sâu bệnh, chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết, từ đó nông dân chúng tôi không bị thiệt hại hoặc phải ứng phó quá vất vả để cứu vườn cây của mình.
Sử dụng chế phẩm sinh học tôi hoàn toàn bất ngờ về hiệu quả của nó. Cây không còn hiện tượng thối thân, các vết thương đã lành lại, phần cành và lá của những cây cây khoai lang đã xanh tươi trở lại, lá phát triển to hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng Công nghệ sinh học cho các mùa vụ sau đó. Mặt khác, chúng tôi sẽ ứng dụng vi sinh vật xử lý đất ngay trước khi trồng mới để có hiệu quả phòng trừ tốt hơn, giảm chi phí xử lý bệnh khi bùng phát”, giám đốc Công ty Chế biến thực phẩm Đà Lạt Tự Nhiên phấn khởi nói.
Nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp tăng cao, tuy nhiên ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, nhất là chất lượng nông sản. Nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả lại vì dư lượng kháng sinh.
Tại tọa đàm tọa đàm trực tuyến về “Ứng dụng chế phẩm sinh học phát triển nền nông nghiệp sạch” do Báo Nông thôn Ngày nay - Dân Việt - Trang Trại Việt online tổ chức ngày 29/6 tại Hà Nội. , TS. Trần Duy Khanh - Viện trưởng Viện APEC cho rằng, Việc lạm dụng chất bảo vệ thực vật, quy trình sản xuất, bảo quản còn nhiều hạn chế, khai thác quỹ đất quá mức… Đó cũng là lý do làm cho đất đai ngày càng thoái hóa, dinh dưỡng bị mất cân đối, mất cân bằng hệ sinh thái trong đất, hệ vi sinh vật trong đất bị phá hủy, tồn dư các chất độc hại trong đất ngày càng cao, nguồn bệnh tích lũy trong đất càng nhiều dẫn đến phát sinh một số dịch hại không lường trước được, hay cả những câu chuyện về biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng đến chất lượng của nền nông nghiệp.
“Sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ trong canh tác đang là xu hướng chung. Chúng ra cần phải làm sao để chế phẩm sinh học có thể ứng dụng rộng rãi hơn thúc đẩy một nền nông nghiệp sạch? Làm sao để lựa chọn được những chế phẩm sinh học đảm bảo chất lượng? Làm sao để sử dụng đúng cách?… là vô cùng quan trọng.
Chế phẩm sinh học là những chế phẩm được điều chế, chiết xuất từ những thành phần nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như rong rêu, tảo biển, tỏi, ớt, các phụ phẩm trong nông nghiệp... rất an toàn, thân thiện với con người và môi trường. Chúng được sản xuất theo công nghệ Nano tiên tiến kết hợp với công nghệ sinh học hiện đại, là giải pháp nông nghiệp công nghệ cao đem lại năng suất cao và hiệu quả bền vững.
Sử dụng các chế phẩm sinh học đang là xu hướng tất yếu ở tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam để phát triển nền nông nghiệp bền vững. Việc ứng dụng các chế phẩm sinh học không chỉ giúp tăng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao cạnh tranh mà còn xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, nhằm phát triển nền nông nghiệp sạch”, TS. Trần Duy Khanh nói.
Viện trưởng Viện APEC cũng khẳng định: "Nếu không có các chế phẩm sinh học thì không thể có nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch", TS.Trần Duy Khanh nhấn mạnh.
Nói về chế phẩm sinh học, Th.S Bùi Thị Hồng Hà, Trưởng phòng Vi sinh nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, nông nghiệp hữu cơ sẽ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới, bởi những đòi hỏi của thị trường. Sử dụng chế phẩm sinh học, người dân vừa cải tạo được môi trường đất, tạo được bộ rễ khỏe giúp cây phát triển tốt. Đặc biệt, chế phẩm sinh học hoàn toàn vô hại, đảm bảo sức khỏe cho người dân cũng như nâng cao chất lượng nông sản.
“Để mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ thành công phải đảm bảo 5 nguyên tắc: Bảo toàn sinh thái vùng sản xuất, làm phong phú hệ sinh thái nông nghiệp, sử dụng biện pháp cơ học cùng chu trình tự nhiên, ngăn ngừa sự ô nhiễm từ bên ngoài và tự cấp vật liệu sản xuất.
Làm nông nghiệp hữu cơ không hề khó, quan trọng nhất vẫn là sự đồng lòng của nông dân, họ có thuận theo và có thực sự muốn thay đổi cách sản xuất, canh tác hay không. Tất nhiên, sự dẫn đường, chỉ lối của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp là yếu tố cần thiết cho sự thành công”, Th.S Hà khẳng định.
Tham khảo Báo Nông nghiệp Việt Nam:
https://nongnghiep.vn/tri-benh-nam-tren-khoai-lang-bang-cong-nghe-sinh-hoc-d244656.html