1. Đặc điểm chất thải rắn (CTR) sinh hoạt và lựa chọn công nghệ xử lý
Chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng có nhiều thành phần, nhưng về cơ bản có chất hữu cơ và vô cơ. Đây là các chất khác hẳn nhau về tính chất lý-hóa-sinh học, nên để xử lý tốt cần có công nghệ phù hợp cho từng loại.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Do đặc điểm khí hậu, tập quán sinh hoạt và ẩm thực, chất thải rắn sinh hoạt có ẩm độ cao, giàu chất hữu cơ và rất nghèo nhiệt trị; chất hữu cơ trong rác thải sinh hoạt là nguyên nhân chính gây ô nhiễm thứ cấp, phát sinh mùi hôi thối, nước rỉ rác, dẫn dụ ruồi nhặng, côn trùng, chuột bọ và là nguồn gây bệnh nếu không được phân loại và xử lý phù hợp. Nếu để rác hỗn tạp và sử dụng một công nghệ duy nhất sẽ khó xử lý triệt để, và còn gây lãng phí tài nguyên rác.
Ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, rác sinh hoạt đã được phân loại tại gia đình và vận chuyển riêng từng loại đến từng nhà máy xử lý chuyên biệt.
Ở Việt Nam, để xử lý rác sinh hoạt hỗn tạp có hiệu quả cần làm tốt khâu phân loại và kết hợp vài công nghệ khác nhau để xử lý; tiêu biểu nhất là ủ chất hữu cơ và đốt chất vô cơ.
Đối với rác sinh hoạt đô thị có thể phân loại và xử lý tại nhà máy, nhưng đối với rác sinh hoạt nông thôn thì việc phân loại và xử lý chất hữu cơ tại nguồn theo quy mô gia đình và thu gom, vận chuyển và xử lý phần vô cơ tại nhà máy là hợp lý và hiệu quả nhất. Bảo đảm mang lại kết quả bền vững về kinh tế và môi trường.
2. Đánh giá khó khăn và đề xuất cho bài toán rác sinh hoạt nông thôn.
Quyết định số 595/2013/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt đề án “Phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013-2020” sau gần 5 năm triển khai thực hiện đã mang lại một số kết quả; tuy nhiên việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn còn nhiều phức tạp, gây khó khăn cho công tác xử lý, đặc biệt là rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn đang gây nhiều bức xúc và chưa có giải pháp phù hợp.
3.Mục tiêu và các giải pháp phân loại và xử lý CTR sinh hoạt tại tỉnh Bắc Ninh
a - Quan điểm tiếp cận "Xanh" chủ đạo cho dự án
Hiện nay nhiều nước phát triển trên thế giới đang thực hiện chiến lược 3RVE trong quản lý và xử lý CTR. Đó là: giảm thiểu (Reduce); tái chế (Recycle); sử dụng lại (Rense); nâng cao giá trị (Validate); xử lý những phần không thể sử dụng (Eliminate). Đây là một công nghệ tổng hợp được xử dụng rộng rãi vì nó tích hợp của nhiều khâu trong quá trình thực hiện: phân loại, thiêu đốt, tái chế, xử dụng lại và cuối cùng là chôn lấp phần không thể xử lý được, lượng chôn lấp thông thường theo quy định<10%.
Cách tiếp cận này coi chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn là nguồn tài nguyên tái tạo trong quá trình sống và hoạt động của con người cần được khai thác hiệu quả cả về mặt kinh tế - xã hội (hiệu quả dự án) và tài chính (hiệu quả chủ đầu tư) có tính đến 2 luận điểm chủ đạo sau:
1) Thu hồi tài nguyên từ chất thải rắn đô thị càng nhiều thì hiệu quả kinh tế - xã hội càng cao do giảm bớt các hoạt động khai thác khoáng sản đối với kim loại, giảm bớt nhu cầu khai thác dầu mỏ (hydrocarbon) để sản xuất nhiều sản phẩm nhựa và giảm bớt khai thác rừng để sản xuất giấy.
2) Việc xử lý, tái chế có tỷ lệ chất thải sau xử lý (rắn, lỏng, khí) càng thấp thì hiệu quả tài chính càng cao và càng bền vững do giảm thiểu sử dụng đất, ô nhiễm thứ cấp tiềm ẩn kéo theo phản ứng của người dân và làm giảm phát thải khí nhà kính (ở Việt Nam yếu tố này chưa thật rõ do chưa áp dụng thuế sử dụng đất cho chôn lấp và thuế phát thải khí nhà kính).
b.Mục tiêu
1) Mục tiêu chung
Đề xuất và triển khai giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Bắc Ninh để giải quyết đồng bộ cơ bản vấn đề phân loại và xử lý CTR sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất tác động xấu từ CTR sinh hoạt tới môi trường nông thôn. Tạo ra sản phẩm nguyên liệu hữu cơ sạch tại chỗ để chăm sóc cây trồng ở nông thôn. Tạo môi trường nông thôn trong tỉnh Bắc Ninh luôn xanh, sạch, đẹp góp phần xây dựng nông thôn mới. Giảm thiểu 50% lượng CTR sinh hoạt nông thôn, tạo điều kiện cho việc thu gom và xử lý CTR vô cơ được thuận lợi.
2) Mục tiêu cụ thể
Trong năm 2018: xây dựng và kiện toàn cơ chế; xây dựng và triển khai mô hình phân loại, xử lý CTR hữu cơ tại các xã, thị trấn thuộc các huyện Tiên Du, Yên Phong và Thị xã Từ Sơn (Là các địa phương chưa có điều kiện xây dựng nhà máy xử lý rác).
- 50% các hộ dân cư trong khu vực dự án có dụng cụ phân loại và chế phẩm xử lý rác hữu cơ tại gia đình, CTR vô cơ được thu gom và xử lý tại nhà máy tập trung.
- 100% xã thành lập được các tổ thu gom rác thải vô cơ tại các thôn, xóm.
- 100% xã, thị trấn lựa chọn được vị trí quy hoạch điểm tập kết tập trung.
Đến năm 2020:
- Phân loại và xử lý đạt 95% lượng CTR hữu cơ phát sinh trên địa bàn các xã trọng điểm.
- 40% các hộ dân cư trong khu vực thị trấn và 60% hộ dân cư các xã còn lại trong tỉnh Bắc Ninh có dụng cụ phân loại và chế phẩm xử lý rác hữu cơ tại nguồn, số rác còn lại được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn.
- 100% thôn, khu dân cư thành lập được tổ thu gom rác thải vô cơ, 100% khu vực công cộng được đặt thùng rác phục vụ nhân dân.
- Các cụm công nghiệp, doanh nghiêp trong toàn tỉnh phải thực hiện việc phân loại rác tại nguồn và ký hợp đồng thu gom, xử lý CTR theo quy định (sau khi đã phân loại).
- Mỗi thôn xây dựng ít nhất 1 ga (trạm trung chuyển) rác để phục vụ công tác thu gom CTR vô cơ giai đoạn 2018-2020 có mái che.
Đến năm 2030:
Thu gom đạt 96% lượng CTR phát sinh tại Thị trấn, 95% CTR hữu cơ phát sinh trên địa bàn các xã được phân loại và xử lý tại hộ gia đình, 90% CTR tại các làng nghề, 100% CTR công nghiệp, 100% chất thải rắn y tế được thu gom và xử lý.
4. Mô tả hệ thống thiết bị, công nghệ và hiệu quả
a / Thùng phân loại, xử lý rác sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình.
Là thùng chứa hình chóp hoặc tứ giác cụt bằng tôn hoặc nhựa có chiều rộng đáy hình vuông 70X70 cm hoặc tròn có đường kính 50-60cm ; chiều cao 50-60 cm, phía trên rộng 30-40 cm có nắp đậy kín để hạn chế mùi và tránh sự thâm nhập của côn trùng hoặc chuột bọ. Phía dưới thùng có đáy trống để có thể đặt trên miệng hố đào trên đất bằng diện tích đáy thùng, sâu 50-70 cm . Thùng này có nhiệm vụ chứa toàn bộ rác thải hữu cơ dễ phân hủy được phân loại hàng ngày trong hộ gia đình, thực hiện quá trình phân hủy rác hữu cơ thành mùn compos, giảm thiểu chất thải - chuyển hóa tối đa chất thải thành tài nguyên.
b / Chế phẩm vi sinh EM EMUNIV, khử mùi và phân hủy hữu cơ
Là hỗn hợp vi sinh vật hữu ích, đóng gói 200 gr do Công ty cổ phần CPART cung ứng, được Tổng cục môi trường cấp phép lưu hành trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm hữu cơ số 95/LH-CPSHMT. Chế phẩm có khả năng khử mùi và phân giải mạnh xenlulo, tinh bột, protein, lipit, pectin…chuyển hóa nhanh dinh dưỡng sang dạng dễ hấp thu cho cây trồng, diệt mầm bênh (Salmonella và E.coli), hạn chế tối đa ruồi muỗi. Thành phần bao gồm:
Bacillus subtillis……………...3 x 10-8 CFU/g
Bacillus licheniformis………..3 x 10-7 CFU/g
Bacillus megaterium……….3,5 x 10-7 CFU/g
Lactobacillus acidophilus….2,5 x 10-8 CFU/g
Lactobacillus plantarum…...2,5 x 10-8 CFU/g
Streptomyces sp…………….5,8 x 10-7 CFU/g
Saccharomyces cereviseae…2,5 x 10-7 CFU/g
Dùng 2 thìa café chế phẩm (2gr ) với 10 thìa café đường (10gr) cho 500 ml nước sạch để sử dụng trong 7 ngày ( một tuần)với một thùng xử lý rác hữu cơ gia đình 6 nhân khẩu. Trên thực tế, sau khi ủ 100 kg rác hữu cơ đầu vào với ẩm độ 90%, ta sẽ thu được sản phẩm sau 30- 60 ngày ở ẩm độ 25 - 30% là 10 kg. Như vậy, một thùng xử lý rác có thể xử lý tới 1 tấn rác (2m3) hữu cơ của một hộ gia đình từ 4-6 người trong thời gian 12 tháng; tạo ra 100 kg mùn hữu cơ làm phân bón. Ngoài lượng hữu cơ thu lại từ rác sinh hoạt, ta có thể thu gom để xử lý và tái chế các loại hữu cơ khác như tàn dư thực vật trong vườn (cỏ, lá cây), phân và xác động vật (chuột, cá, gà) mà không sợ gây ô nhiễm môi trường. Một năm mỗi gia đình nông thôn chỉ cần sử dụng 2-2,5 gói chế phẩm EMUNIV.
c/ Tính toán hiệu quả của dự án
Về môi trường và xã hội: Dự án giải quyết triệt để bài toán rác hỗn độn và loại bỏ tác nhân gây ô nhiễm môi trường từ rác hữu cơ bằng giải pháp phân loại và xử lý tại nguồn như đã trình bày ở trên. Ngoài ra nó còn tạo cho cộng đồng ở nông thôn nâng cao ý thức, có nghĩa vụ và được hưởng quyền lợi từ việc bảo vệ môi trường nói chung và việc phân loại, xử lý chất thải rắn nói riêng; biến rác thải thực sự trở thành tài nguyên phục vụ con người.
Về kinh tế: Khi dự án đi vào hoạt động ổn định sẽ giảm được tối thiểu 50% khối lượng rác thải sinh hoạt ở nông thôn, từ đó giảm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý.
Theo tính toán, tại Bắc Ninh chi phí cho thu gom, vận chuyển và xử lý 1 tấn rác sinh hoạt khoảng 650.000-700.000đ; đó là chưa kể chi phí cho đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng cho bãi chôn lấp hoặc khu xử lý mà Nhà nước phải bỏ tiền hỗ trợ. Ngoài ra còn tiết kiệm quỹ đất dành cho bãi chôn lấp, đó là chưa kể lợi ích do sản phẩm ủ hữu cơ từ rác mang lại.
5. Nguồn kinh phí cho thực hiện
Công tác phân loại CTR và xử lý rác sinh hoạt hữu cơ tại nguồn ở quy mô hộ gia đình chỉ được thực hiện có hiệu quả khi có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là việc quan tâm trang bị kiến thức về việc phân loại CTR hữu cơ và xử lý tại nguồn cho các tầng lớp nhân dân. Đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác phân loại CTR tại nguồn (thùng chứa CTR các loại)và cung ứng chế phẩm EMUNIV khử mùi và phân hủy hữu cơ cho hộ nông dân.
Đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép sử dụng nguồn trích từ kinh phí sự nghiệp môi trường của tỉnh dành cho thu gom, vận chuyển và xử lý rác tiết kiệm được từ hoạt động của dự án để cung ứng cho người dân các thiết bị và chế phẩm; đào tạo và tập huấn…
6. Kết luận
Nhiệm vụ phân loại và xử lý CTR trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh là một nhiệm vụ cấp bách, được các cấp uỷ Đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm.
Một số đề xuất này đưa ra những quan điểm, công nghệ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phân loại, xử lý CTR sinh hoạt hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, lấy mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.
Theo Báo Môi trường và Đô thị