Đáp ứng tiêu chí môi trường, sản xuất bền vững:
Chế phẩm Bacillus thuringiensis (gọi tắt là Bt), là vi khuẩn Gram (+), hiếu khí không bắt buộc, có khả năng tạo bào tử và tinh thể độc. Chế phẩm có rất nhiều loại khác nhau, thường dưới dạng bột khô hoặc sữa (nhũ tương - nước chứa dầu). Chê phẩm rất mẫn cảm với nhiệt độ cao và tia cực tím. Có hai dạng Bt cơ bản, loại chứa tinh thể độc tố và bào tử và loại Bt chỉ chứa tinh thể độc tố. Sau khi phun, loại tinh thể độc tố gây hiệu lực ngay và sau đó phân hủy giải độc, còn bào tử thì có thể tồn tại lâu (một năm hoặc lâu hơn).
BT loại dạng tinh thể thì không hòa tan trong nước, nhưng tan trong kiềm pH>10, không có hiệu lực khi tiếp xúc.
Cơ chế lây nhiễm:
Sâu ăn lá chứa vi khuẩn, một mặt vi khuẩn sinh sản trong ruột làm côn trùng chết, một mặt khi tinh thể độc thoát vào ruột giữa, nơi có pH kiềm cao, tinh thể độc sẽ phân giải thành tiền độc tố. Proteaza trong ruột sẽ cắt tiền độc tố thành độc tố. Độc tố đâm xuyên phá biểu mô ruột làm cho sâu chết nhanh hơn. Đôi khi bổ sung một lượng nhỏ kitinaza (enzim phân giải chitin) có thể làm cho hoạt tính diệt sâu tăng lên.
Trong quá trình sinh trưởng, vi khuẩn Bt tạo ra 2 nhóm độc tố là độc tố trong và độc tố ngoài.
Độc tố trong được tạo thành trong tế bào vi khuẩn là chất delta-endotoxin – chất gây độc chủ yếu của vi khuẩn đối với sâu hại. Đây là một loại protein ở dạng tinh thể nên còn gọi là độc tố tinh thể. Độc tố tinh thể không tan trong nước mà tan trong môi trường kiềm. Trong ruột sâu non bộ cánh vẩy là môi trường kiềm nên vi khuẩn Bt có tác động chủ yếu với nhóm sâu này. Khi sâu ăn phải độc tố tinh thể delta này chỉ sau khoảng 5 phút sâu bị tê liệt và ngừng ăn rồi mới chết hẳn sau đó 2-3 ngày (một số nhỏ loài sâu có cơ chế tự giải độc bằng cách ngừng ăn làm pH đường ruột giảm xuống, sau một thời gian nhất định đường tiêu hóa được phục hồi).
Độc tố ngoài là chất Beta-endotoxin (độc tố bêta) được tạo thành bên ngoài tế bào trong quá trình sinh trưởng của vi khuẩn với hàm lượng thấp. Độc tố bêta tan trong nước, do đó có thể diệt được nhiều loài sâu hại hơn. Tuy vậy độc tố bêta thể hiện hiệu lực chậm, sau một pha biến thái của sâu mới thấy rõ (khi sâu non hóa nhộng hoặc khi nhộng vũ hóa), không bền vững ở nhiệt độ cao.
Ngoài việc dùng làm thuốc trừ sâu, hiện nay người ta đã tách một số gen từ vi khuẩn Bt ghép vào hệ thống gen của cây để tạo ra các giống cây kháng sâu, như giống bông kháng sâu xanh, giống lúa kháng sâu đục thân, sâu cuốn lá, giống ngô kháng sâu…
Chế phẩm Bt có khả năng diệt nhiều loại sâu, đặc biệt là ấu trùng (larvae) bộ cánh vảy (Lepidoptera) bao gồm sâu tơ, sâu xanh, sâu khoang, ngoài ra cũng tác động đến bộ hai cánh, bộ cánh màng, bộ cánh cứng, nhưng không diệt được trứng, nhộng, bướm, bọ cánh cứng.
Do vậy riêng con tằm vì là loài côn trùng thuộc bộ cánh vẩy nên cũng rất mẫn cảm với Bt, không dùng trừ sâu cho cây dâu nuôi tằm và nơi gần vườn trồng dâu.
Vi khuẩn Bt trong các cơ thể sâu bị nhiễm có thể phát tán lên cây và môi trường rồi tiếp tục lây nhiễm cho những sâu khác, vì vậy sử dụng chế phẩm Bt sẽ làm tăng lượng vi khuẩn có ích trên đồng ruộng, điều chỉnh cân bằng sinh thái theo hướng có lợi, góp phần khống chế lượng sâu hại trong tự nhiên.
Vi khuẩn được nuôi cấy chìm, sau li tâm thu sinh khối.
Lưu ý khi sử dụng:
Vi khuẩn Bt có thể sinh trưởng trong phạm vi nhiệt độ 12-40 độ C, thích hợp nhất là khoảng 27-32 độ C. Nhiệt độ cao, ánh sáng mạnh và khô hạn vi khuẩn sinh trưởng kém và mau giảm hiệu lực.
Các chế phẩm Bt nên phun vào buổi chiều mát để ban đêm sâu ra ăn phá sẽ dễ nhiễm thuốc và hạn chế ảnh hưởng của điều kiện nắng nóng ban ngày.
Chế phẩm loại không chứa bào tử có thể hỗn hợp với nhiều loại thuốc trừ nấm bệnh, song không được phối trộn với các loại thuốc có kiềm tính mạnh như thuốc vôi + lưu huỳnh, vôi + phèn xanh (hỗn hợp Bordeaux) và phân bón hóa học như lân nung chảy,...
Không phối trộn chế phẩm Bt với thuốc có nguồn gốc kháng sinh.
.
để tăng hiệu lực trừ sâu, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn cho nông sản, khi phun thuốc bt nên pha thêm thuốc trừ sâu sinh học có tác động nhanh